Cộng đồng doanh nghiệp mong rằng, sẽ được hoạt động trong môi trường cạnh tranh hơn, bình đẳng hơn. Việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp phải tạo được đột phá trong hoạt động đầu tư kinh doanh.
Sửa Luật Doanh nghiệp, hy vọng của những doanh nghiệp nhỏ.
Khuyến khích kinh tế tư nhân
Hội nhập kinh tế mở ra cơ hội lớn hơn cho cộng đồng doanh nghiệp (DN), lẫn người dân. Bên cạnh việc gắn kết chặt chẽ hơn giữa các thành phần kinh tế buộc cộng đồng DN phải tự thay đổi để hoà nhập. Chẳng hạn như những thỏa thuận thương mại tự do kiểu mới tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế song nếu không bứt phá, nền kinh tế có thể tụt hậu hơn.
Hiện nay kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ sẽ là nền tảng quan trọng đóng góp rất lớn cho kinh tế Việt Nam. Làn sóng khởi nghiệp hình thành đã huy động được nguồn vốn cho nền kinh tế. Công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng năm 2019.
Giới chuyên gia cho rằng, từ khi có Luật DN và Luật Đầu tư, cộng đồng DN đã có nền tảng cũng như hành lang pháp lý để phát triển. Thế nhưng đặt trong bối cảnh hội nhập sâu, Luật còn phải khuyến khích DN tự thân phát triển. Những quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm điều kiện, chi phí cho DN của Chính phủ và những thành tựu bước đầu trong cải thiện hệ thống quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh cần phải cụ thể hơn nữa.
Ông Mạc Quốc Anh- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN Hà Nội cho rằng, quan trọng nhất đối với DN trong hội nhập là họ muốn tham gia được vào chuỗi giá trị, nên nhiều DN đã đầu tư nguồn nhân lực để tham gia nghiên cứu ở các thị trường có FTA, nhất là các nước tham gia CPTPP. Họ đã liên kết hợp tác với tham tán thương mại tại các nước ký FTA và tham tán kinh tế các nước có mặt tại Hà Nội để tìm giải pháp đưa sản phẩm hàng hóa vào các thị trường này.
Ngoài ra, DN cũng có những đổi mới về khoa học – công nghệ và thương mại, dịch vụ để nâng cao năng lực cạnh tranh. DN hiện nay cũng quan tâm sở hữu trí tuệ hơn trước rất nhiều, làm thủ tục bảo vệ thương hiệu của mình, đặc biệt là đối với sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao; chuyển dịch đầu tư trong ngành sản xuất, trước đầu tư dàn trải, giờ chuyên sâu hơn; đồng thời, định giá sản phẩm rõ ràng hơn ở phân khúc giá cao và giá trung bình tiếp cận số đông.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, cần tạo điều kiện cho DN tư nhân gia nhập thị trường một cách dễ nhất. Như vậy mới khuyến khích được sức mạnh từ cộng đồng DN.
Quản 5 triệu hộ kinh doanh như nào?
Nước ta hiện có trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, về bản chất kinh tế, họ chính là DN. Khu vực kinh tế này tại Việt Nam hiện chiếm 30% GDP cả nước nhưng lại không được quy định tại bất cứ văn bản nào.
Thực tế cũng chỉ ra ở góc độ môi trường kinh doanh hiện tại, hộ kinh doanh đang có những lợi thế nhất định so với doanh nghiệp. Thủ tục thành lập đơn giản hơn, lệ phí thành lập rẻ. Chế độ kế toán đơn giản, cách nộp thuế đơn giản, hộ được nộp kê khai hoặc thuế khoán. Vì vậy nhiều hộ kinh doanh gia đình không muốn lớn thành DN. Các kiến nghị sửa đổi Luật DN đều khuyến khích hộ kinh doanh đăng ký để trở thành DN. Từ đó để khai thác được tiềm năng DN “ siêu nhỏ” này, tránh thất thu nguồn lực.
Tại một hội thảo vừa diễn ra về lấy ý kiến sửa đổi Luật DN, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng cần chính thức hóa hộ kinh doanh, coi họ là DN siêu nhỏ. Luật DN sửa đổi cần đề cập đến điều này.
Theo Luật sư Lê Văn Hà- Công ty Luật Pathlaw, xét từ góc độ chính sách, hiện nay không có bất kỳ văn bản pháp luật nào quy định về địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình có đăng ký kinh doanh. Trong khi đây là đối tượng đông đảo nhất về số lượng (gần 5 triệu hộ), là khu vực tạo ra nhiều việc làm nhất trong nền kinh tế (gần 10 triệu việc làm). Vì vậy, cần mở rộng đối tượng điều chỉnh của Luật DN bao gồm cả hộ gia đình và cá nhân có đăng ký kinh doanh.
Song Luật sư Lê Văn Hà cũng cho rằng, cần bỏ quy định có tính chất cưỡng ép và thiếu thực tiễn về việc bắt buộc chuyển đổi hộ gia đình đăng ký kinh doanh thành DN tại Điều 212 Luật DN 2014.
Ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng CIEM (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) cho biết, các câu hỏi làm thế nào để thúc đẩy các hộ kinh doanh đủ điều kiện chuyển đổi thành DN đã được CIEM đặt ra từ nhiều năm nay, nhưng thực sự chưa có câu trả lời thỏa đáng ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi về môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý để họ tự lựa chọn.
Tác giả bài viết