Liên tục sửa

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn – Tổng cục Thuế, hệ thống thuế hiện nay đang “vận hành” 10 loại thuế và 2 khoản phí, lệ phí. Giai đoạn 1996-2016, tỉ lệ động viên thu ngân sách nhà nước bình quân khoảng 23,7% và tỉ lệ động viên GDP khoảng 16,7%. Mức động viên này còn khoảng cách xa so với chiến lược thuế 2011-2020.
Trong 5 năm qua, sắc thuế sửa đổi nhiều nhất là Thuế giá trị gia tăng (VAT), Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và Thuế thu nhập doanh nghiệp. Từ năm 2017 đến nay, Bộ Tài chính lấy ý kiến về dự thảo Luật sửa 6 luật thuế (gồm thuế VAT, thuế TTĐB, thuế thu nhập cá nhân…); Luật thuế bảo vệ môi trường (Chính phủ đã xin lùi thời hạn trình vào năm 2019) và lấy ý kiến xây dựng hồ sơ dự án Luật Thuế tài sản.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, thuế luôn là nguồn thu chính, nguồn thu chủ lực, bảo đảm cho nguồn chi tiêu ngân sách của một quốc gia bằng những cơ chế, chính sách phù hợp trong việc tạo nguồn thu, quản lý nguồn thu và nuôi dưỡng nguồn thu, phát triển nguồn thu một cách ổn định và bền vững.

Xu hướng tăng thu sẽ tác động ngược?

 Vấn đề đặt ra là cải cách hệ thống thuế, với cơ chế, chính sách đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch, công khai, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện. Khi đó, cơ chế, thể chế, chính sách phải bảo đảm công khai, minh bạch.
Tuy nhiên, trước việc thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao như hiện nay, đặc biệt là tài khóa ngày càng trở nên thiếu bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế, trong hơn một năm qua, Bộ Tài chính đã nhiều lần đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật thuế theo hướng tăng mức thuế quy định tại nhiều sắc thuế. Đó là đánh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lý do là cơ cấu lại nguồn thu ngân sách, bù đắp nguồn thu giảm do hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, phục vụ tăng trưởng xanh. Đó là đề xuất tăng thuế VAT từ 10% lên 12% và giảm bớt số mặt hàng được hưởng thuế VAT ưu đãi 5%; lý do là mức thuế VAT hiện chưa theo kịp thông lệ quốc tế, cần cơ cấu lại thu ngân sách theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu. Bộ Tài chính cũng dự kiến áp thuế TTĐB với nước ngọt với mục đích bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Gần đây nhất là đề xuất đánh thuế tài sản, theo đó, Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế với người sở hữu căn nhà thứ nhất, với mức thuế suất 0,3-0,4% trên trị giá của căn nhà…
Những đề xuất sửa đổi các mức thuế trên của Bộ Tài chính đã và đang vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều và nhiều phản ứng mạnh. Các loại thuế này ảnh hưởng sâu rộng đến hầu hết người dân (đặc biệt là những người nghèo và có thu nhập thấp), doanh nghiệp, các hộ kinh doanh cá thể, hộ gia đình trong nền kinh tế.
Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Phân tích Luật Quản lý thuế có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2007. Sau 10 năm thi hành, luật này đã sửa đổi 4 lần vào các năm 2012, 2014, 2016 vào 2017. Như vậy, từ năm 2012 đến nay, bình quân hơn hai năm Luật Quản lý thuế lại phải sửa đổi một lần. Có nghĩa cứ sau hơn một năm thi hành luật, cơ quan soạn thảo lại phải thực hiện các bước chuẩn bị để sửa đổi luật.
 Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre) bày tỏ lo ngại việc sửa đổi luật như vậy ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý thuế, nhất là việc thích ứng của người nộp thuế đối với cơ chế chính sách mới. Điều này chẳng những không kích thích được các thành phần kinh tế phát triển mà còn tác động tiêu cực đến thu hút đầu tư. Đại biểu đề nghị lần sửa đổi này cần rà soát, tính toán tính tương thích với các luật hiện hành; lường trước và dự báo những tác động về chính sách thuế để sửa đổi toàn diện khi Việt Nam đã hoặc ký kết các hiệp định để đảm bảo “tuổi thọ” của luật.