Nhiều mô thức kinh doanh và giao dịch thương mại mới như các ứng dụng chia sẻ Uber, Grab… là thách thức lớn đối với việc quản lý thuế ở Việt Nam.
Kinh tế số tạo thách thức lớn đối với quản lý thuế. Ảnh minh họa: TTXVN
Việt Nam đang ở trong nền kinh tế số và thương mại điện tử là ngành có triển vọng tăng trưởng tốt nhất trong vài thập niên tới. Rõ ràng, sự phát triển của thương mại điện tử và nền kinh tế số là xu hướng phát triển tất yếu trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Nhiều mô thức kinh doanh và giao dịch thương mại mới được sáng tạo ra như các ứng dụng chia sẻ Uber, Grab, công nghệ blockchain… là thách thức lớn đối với việc quản lý thuế ở Việt Nam.
Thống kê từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy, trong 10 năm qua, kinh tế số Việt Nam đã phát triển không ngừng về cả nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh.
Trong hệ sinh thái số, có ba thị trường nổi bật là viễn thông, công nghệ thông tin và thương mại điện tử. Các doanh nghiệp viễn thông, Internet ở Việt Nam đã phát triển liên tục và đạt mức doanh thu 6,1 tỷ USD. Hai ngành nghề này góp phần tạo ra hơn 851.000 việc làm cho xã hội.
Riêng với thương mại điện tử, một trong những cấu phần trọng yếu nhất của kinh tế số ở Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc về doanh thu và quy mô thị trường. Quy mô ngành thương mại điện tử ở Việt Nam hiện ở mức 5,2 tỷ USD.
Đánh giá từ giới phân tích cho thấy, Việt Nam đang phải giải quyết nhiều vấn đề phát sinh với sự phát triển của nền kinh tế số như vấn đề về pháp lý, an toàn tấn công mạng, đảm bảo quyền riêng tư của người dùng và đặc biệt là việc quản lý thuế.
Theo TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Đại học Fulbright Việt Nam, chính sự mới mẻ, thậm chí là xa lạ trong các mô thức kinh doanh mới được du nhập và phổ biến ở Việt Nam khiến cho cơ quan thuế cảm thấy như bị tụt lại, không nắm bắt kịp với các xu hướng này để có thể thiết kế được một cơ chế quản lý thuế hiệu quả sao cho không làm cản trở quyền tự do kinh doanh và sự sáng tạo.
Đồng quan điểm, PGS. TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính (Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh) cho rằng, câu chuyện thu thuế trong nền kinh tế số làm đau đầu các nhà quản lý. Không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả các nước có hệ thống luật pháp và kinh tế phát triển trên thế giới đều lúng túng và bị động trước vấn đề này. Để thu được thuế và tránh thất thu thuế trong nền kinh tế số là vô cùng khó khăn.
Hiện nay, các tập đoàn thương mại điện tử, bán lẻ và các công ty fintech (công nghệ trong tài chính) đang tạo ra các hệ sinh thái khép kín gồm: ăn uống, đi lại, giải trí…. Vì vậy, việc xác định doanh số của các công ty này rất khó khăn mà không xác định được doanh thu thì không thu được thuế.
Đồng quan điểm, PGS. TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) cho rằng, những mô hình kinh doanh trong nền kinh tế số đang tạo ra những thách thức trong việc quản lý và thu thuế.
Đối với các mô hình kinh doanh trong nền kinh tế số, việc quản lý được các đối tượng nộp thuế này là rất khó khăn do đối tượng không có sự hiện diện vật chất tại nơi thực hiện hoạt động kinh doanh hoặc nơi tạo ra giá trị của hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, việc quản lý của một quốc gia với chủ thể kinh doanh là đối tượng cư trú ở quốc gia khác trong các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới là một thách thức rất lớn.
Cơ quan thuế cũng rất khó để kiểm soát giao dịch kinh doanh của các chủ thể kinh doanh qua mạng. Những chủ thể kinh doanh này không cần cửa hàng, cửa hiệu truyền thống, các giao dịch hoàn toàn thực hiện bằng các phương thức điện tử, máy chủ có thể đặt ở nước ngoài.
Ngoài ra, việc kiểm soát và yêu cầu người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cũng gặp muôn vàn khó khăn, bởi trong nền kinh tế số những phương thức thanh toán không dùng tiền mặt rất đa dạng và phong phú. Việc thanh toán có thể thực hiện qua ngân hàng hoặc không thực hiện qua ngân hàng mà qua các tổ chức thanh toán trung gian khác.
Dù có những thách thức rất lớn về quản lý thuế trong nền kinh tế số, nhưng theo PGS. TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, điều quan trọng là các cơ quan quản lý chọn cách ứng xử với vấn đề này. Việt Nam hoàn toàn có thể khuyến khích phát triển kinh tế số để bắt kịp với xu hướng của thế giới. Cơ quan quản lý có thể tạo điều kiện để kinh tế số phát triển, thông qua đó học hỏi nguyên tắc vận hành và đưa ra chính sách phát triển phù hợp.
“Nếu chúng ta bật đèn xanh cho nền kinh tế số phát triển thì có thể phải chấp nhận một phần nào đó thất thoát ngân sách do không thu được thuế, nhưng đây có thể được xem như một phần chi phí của việc tiếp cận với công nghệ mới, hòa nhập với thế giới”. PGS. TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo phân tích.
Thực tế, vấn đề hầu hết các nước đang gặp phải đó là sự thất thu thuế ở các hình thức thanh toán điện tử, các công ty fintech, tiền điện tử, các công ty công nghệ…. Chính vì vậy, các nước trên thế giới đã có những chuẩn bị hành lang pháp lý nhằm quản lý thuế hiệu quả.
Hiện tại, New Zealand đang xây dựng và sẽ đưa ra thảo luận, lấy ý kiến trong tháng 5 tới về loại thuế mới, có tên gọi là thuế dịch vụ số để có thể áp dụng từ đầu năm 2020.
Theo đó, Chính phủ New Zealand đang chuẩn bị đánh thuế thu nhập đối với các tập đoàn và doanh nghiệp công nghệ đa quốc gia có doanh thu từ việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ trên mạng như Facebook, Google, Youtube, Uber…
Vấn đề quản lý thuế trong nền kinh tế số là một vấn đề rất lớn tác động đến chính sách thuế của nhiều quốc gia, được các nước đặc biệt quan tâm. Theo PGS. TS Lê Xuân Trường, để tập trung nguồn lực thực hiện quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, cơ quan thuế Nhật Bản đã thành lập “Tổ chuyên trách về thương mại điện tử”. Cơ quan này chuyên tiến hành các cuộc kiểm tra thuế và thu thập thông tin về các nhà cung cấp dịch vụ tham gia vào các hoạt động thương mại điện tử và các nhà cung cấp dịch vụ liên quan đến thương mại điện tử.
Nhật Bản thực hiện thanh tra các nhà điều hành trang web bán “tài liệu thông tin thương mại”. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bán thông tin thương mại, cán bộ kiểm tra thuế Nhật Bản luôn xác định trước thông tin về các kênh giao dịch, loại hàng hóa, thanh toán; nắm bắt thông tin tài khoản tiền gửi ngân hàng, các thẻ ngân hàng (tài khoản ngân hàng được sử dụng để thanh toán)…
Từ kinh nghiệm của các nước đi trước, PGS. TS Lê Xuân Trường đã đưa ra một số khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam.
Theo đó, Việt Nam cần hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và ứng dụng các giải pháp công nghệ hiện đại trong kiểm soát và thanh tra, kiểm tra thuế. Bên cạnh đó, cần có bộ phận chuyên trách về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và đàm phán với cơ quan thuế nước ngoài để sửa đổi, bổ sung các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa trốn lậu thuế giữa Việt Nam với các nước.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, để phát triển nền kinh tế số một cách chính quy, hợp pháp, tránh thất thu thuế, nhà nước cần xây dựng kịp thời môi trường pháp lý phù hợp cho nền kinh tế số và giao dịch điện tử.
Một khung pháp lý bao quát nền kinh tế số sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số diễn ra một cách mau chóng và thuận lợi. Khung pháp lý cơ bản có thể gồm luật về văn bản điện tử, luật giao dịch điện tử và luật chữ ký số để tạo điều kiện quản lý được giao dịch điện tử./.
Tác giả bài viết