Kinh tế 2019

Kinh tế 2019

Các thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định, tiềm năng của nền kinh tế còn rất lớn và xuất hiện thêm không ít cơ hội mới. Nếu có giải pháp thực thi tốt, tận dụng được cơ hội mới, khai thác tốt hơn tiềm năng của nền kinh tế, trong hai năm tới vẫn có thể tiếp tục đà tăng trưởng cao.

Dự báo kinh tế năm 2019, Tổ tư vấn đưa ra ba kịch bản: Kịch bản một (dựa trên giả quyết điều kiện bình thường của nền kinh tế), GDP tăng trưởng trung bình 6,86%/năm cho giai đoạn 2018-2020. Kịch bản hai, con số này là 6,91% và kịch bản ba là 7,06%.

Tuy nhiên, Tổ tư vấn dự báo năm 2019 có thể phấn đấu đạt mức tăng trưởng 6,9-7% và lạm phát dưới 4%. Nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững, khát vọng dân tộc thịnh vượng phải trở thành hiện thực.

Cùng với sự lạc quan của Tổ tư vấn, những ngày đầu Xuân Kỷ Hợi 2019, một số chuyên gia kinh tế đã đưa ra những nhận định, dự cảm tích cực cho nền kinh tế.

Thuận lợi và thách thức đan xen

tran-toan-thang-1231-1548645182.jpg

TS. Trần Toàn Thắng – Trung tâm Thông tin và dự báo Kinh tế-Xã hội quốc gia

Kinh tế Việt Nam năm 2019 tiếp tục được hưởng lợi nhờ triển vọng lạc quan về tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu và các yếu tố tích cực nội tại (đà tăng trưởng của năm 2018 và tính chu kỳ của nền kinh tế).

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng, nền kinh tế năm 2019 dự báo vẫn còn rất nhiều rủi ro cần phải lường trước, đòi hỏi sự thận trọng trong điều hành.

Nguy cơ các nền kinh tế chủ chốt gia tăng cạnh tranh về kinh tế, tài chính, tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ cũng là thách thức được dự báo.

Nền kinh tế Việt Nam đang phải chịu nhiều tác động như biến động về tỷ giá cũng như trên thị trường chứng khoán. Diễn biến thương mại trên thế giới phức tạp phần nào đã, đang và sẽ tác động đến nền kinh tế Việt Nam, như thâm hụt thương mại của Mỹ tiếp tục tăng, dòng chảy FDI từ Trung Quốc không rõ ràng, quá trình Brexit…

Giai đoạn 2019 – 2020, Việt Nam đứng trước những rủi ro khi tăng trưởng kinh tế ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào khu vực FDI. Đáng lo hơn là độ mở tài chính quốc gia đang cao hơn trình độ phát triển của nền kinh tế.

Tỷ lệ nợ công cao và nghĩa vụ trả nợ lớn (trong hai năm 2019 – 2020 có nhiều khoản nợ đến hạn) cũng ảnh hưởng đến điều hành kinh tế vĩ mô cũng như khả năng giảm mặt bằng lãi suất.

Rủi ro lạm phát vẫn cao

nguyen-duc-thanh-6255-1548645182.jpg

TS. Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)

Các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2019 sẽ đạt được nếu Chính phủ tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp bằng cách cải thiện môi trường kinh doanh như cải cách các thủ tục hành chính, tăng sự cạnh tranh bình đẳng giữa các khu vực doanh nghiệp, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên, chỉ số lạm phát năm 2019 đang có nhiều yếu tố tác động bất lợi đến mục tiêu mà Quốc hội đặt ra dưới 4%. Cuối năm 2018, giá thực phẩm tiếp tục phục hồi mạnh và sự điều chỉnh tăng giá xăng dầu liên tục.

Trên thế giới, lạm phát tăng nhanh, bên cạnh việc đồng USD và dầu thô tăng giá cũng như căng thẳng thương mại leo thang, đồng NDT giảm; sức ép lên chi phí vốn đang lan tỏa khi bắt đầu tăng mức lãi suất điều hành nhằm kiểm soát tình trạng lạm phát và dòng vốn tháo chạy. Trong nước, lạm phát gia tăng mạnh mẽ đang trực tiếp tạo sức ép lớn lên lãi suất.

Bên cạnh đó, diễn biến của tình hình giá năng lượng trên thế giới vẫn ở mức cao và việc nâng kịch trần thuế bảo vệ môi trường lên xăng dầu (từ 3.000 lên 4.000 đồng/ lít đối với mặt hàng xăng) kể từ 1/1 sẽ tạo ra rủi ro lạm phát cho năm 2019.

Kinh tế có nhiều triển vọng tốt

hoang-van-cuong-3349-1548645182.jpg

PGS.,TS. Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT Quốc dân

Từ tiền đề của năm 2018 đang có xu thế tốt và sẽ được duy trì trong năm 2019, thậm chí có những thuận lợi hơn, có thể nhìn thấy là cải cách thể chế ngày càng mạnh mẽ hơn của Chính phủ, nút thắt của đầu tư công cũng đang được đẩy mạnh.

Ngoài ra, Hiệp định CPTPP đã được Quốc hội thông qua, đầu năm 2019 có hiệu lực, Việt Nam sẽ nhận được những tác động tích cực ngay như: thị trường một số nước mở ra hơn, thuế suất một số dòng sản phẩm được cắt giảm ngay, trong khi ba năm đầu, kinh tế Việt Nam chưa bị tác động ngược trở lại. Đây là yếu tố tạo sự thuận lợi để đẩy mạnh, mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư.

Tất nhiên cũng có những khó khăn từ chính thị trường quốc tế, nếu Trung Quốc phá giá đồng tiền thì xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này sẽ bất lợi, cán cân thương mại có thể âm nặng từ Trung Quốc.

Ngoài ra, hàng hóa ở một số thị trường khác tràn vào, nếu không giữ được, thị trường trong nước có nguy cơ mất. Tuy nhiên, điều này sẽ không đáng lo nếu điều hành vĩ mô tốt thì năm 2019 triển vọng tốt hơn năm 2018.

Xu hướng kinh tế tích cực nhưng tiềm ẩn rủi ro

nguyen-duc-kien-2437-1548645182.jpg

Ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Tuy xu thế dự báo tích cực chủ đạo nhưng năm 2019 cũng nhìn nhận được những khó khăn thách thức, đó là vấn đề thương mại giữa Mỹ – Trung Quốc chưa được giải quyết, giá dầu trên thị trường thế giới có biến động lớn.

Cùng với đó, từ đầu năm 2019, Hiệp định CPTPP có hiệu lực đã đặt ra nền kinh tế Việt Nam những nhiệm vụ mà chưa bao giờ xuất hiện ở những năm 2016 – 2017 – 2018, đây là những khó khăn chờ đón nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Đó là việc Việt Nam sẽ có thêm những thị trường mới tương đối dễ tính ở Mỹ Latinh, đưa những sản phẩm hàng hóa là thế mạnh của mình chiếm lĩnh thị trường thế giới.

Ngược lại, thị trường Việt Nam cũng phải mở cửa cho các nhà sản xuất của khu vực Bắc Mỹ và khu vực có nền kinh tế, sức cạnh tranh, chất lượng hàng hóa cao hơn Việt Nam tràn vào trong nước.

Tác giả bài viết

Biên Tập editor



EnglishChinaVietnam